Nở rộ chế biến thức uống nhanh
- Nguyễn Hiếu
- Tin tức
- 14/08/2019
Theo Thế giới hội nhập
http://thegioihoinhap.vn/tiep-thi-4-0/no-ro-che-bien-thuc-uong-nhanh
Lai Phú là cái tên mới nhất tham gia thị trường nước giải khát có doanh số 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20% mỗi năm, theo công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Dây chuyền sản xuất nước uống A-DEW của Lai Phú.
Việc có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, sử dụng nguyên liệu “cây nhà lá vườn” giúp tăng thêm đầu ra cho nông sản Việt. Với dòng sản phẩm mới, Lai Phú cũng tự tin thâm nhập thị trường…
Nguyên liệu “cây nhà lá vườn”
Tại buổi ra mắt hai sản phẩm gồm nước yến nha đam và nước trái cây nha đam cốt thơm (A – DEW) hồi tuần trước, ông Trần Phan Tế, tổng giám đốc công ty cổ phần Lai Phú, cho biết công ty mất nhiều thời gian mới lựa chọn được vùng nguyên liệu trồng nha đam và thơm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Trước đó, theo ông Tế, một số mẫu nha đam và thơm được lấy từ các tỉnh đem đi xét nghiệm, cho kết quả còn dư lượng kim loại nặng, nên Lai Phú phải ra tận thị xã Phan Rang, Ninh Thuận để hợp tác với nông dân trồng nha đam; cũng như xuống Tiền Giang đặt hàng nông dân sản xuất thơm.
“Đây là những sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, được chúng tôi kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng, cũng như dư lượng các chất để có thể xuất khẩu được qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, thậm chí châu Âu hay Mỹ”, ông Tế nói.
Ngoài Lai Phú, thời gian qua còn khá nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm nước ép trái cây, rau củ quả như Lavifood, Vina T&T, Lương Quới… tạo ra động lực giúp giải quyết vấn đề đầu ra nông sản khá hiệu quả. Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, rau củ quả mang lại giá trị kinh tế lớn, vì chiếm diện tích ít hơn một số loại cây trồng khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu lại lớn hơn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có 156 nhà máy chế biến rau quả các loại, riêng tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 5 – 6 cơ sở. Trong số 27 triệu tấn rau quả, có trên 1 triệu tấn được đưa vào chế biến.Dư địa cho đầu tư vào các nhà máy chế biến các sản phẩm này còn rất lớn.
Ông Masaharu Amemori, tổng giám đốc kiêm chủ tịch công ty bao bì Trapaco, một đơn vị cung cấp nhiều loại bao bì tại thị trường Việt Nam cũng đưa ra nhận xét: “Những sản phẩm thức uống chế biến từ trái cây mang đậm hương vị tự nhiên, đang là xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chứ không dừng lại ở riêng một quốc gia nào”.
Tự tin thâm nhập thị trường
Trở lại câu chuyện của Lai Phú, doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo, nhiều năm liền đạt chứng nhận HVNCLC, và chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập.Mới tham gia thị trường nước giải khát, nhưng với chiến lược chọn nguyên liệu nông sản từ những vùng trồng đạt tiêu chuẩn, nên ông Tế khá tự tin sản phẩm mới sẽ tạo sự khác biệt.
Với việc nắm trong tay hệ thống phân phối có sẵn từ ngành hàng bánh kẹo ở 63 tỉnh/thành và nhiều nước trên thế giới, Lai Phú đặt mục tiêu trong một năm tới sẽ phủ toàn thị trường Việt Nam. Trong ba năm tới, doanh nghiệp này hướng tới mục tiêu Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về ngành hàng này và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc lựa chọn kỹ càng vùng nguyên liệu, Lai Phú còn đầu tư nhà máy sản xuất riêng biệt rộng gần 10.000m2, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về ISO 22000, HACCP… Sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất phải qua bộ phận nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, với nhiều khâu như phòng cấy, nuôi vi sinh, thanh trùng… Ngoài ra, Lai Phú còn đầu tư thêm công nghệ tiệt trùng UHT, chiết rót nóng lạnh 4 trong 1, đây là công nghệ mới nhất trên thị trường hiện nay.Công suất sản xuất của nhà máy hiện đạt 18.000 chai/giờ.
"Tâm lý người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khoẻ và quan tâm đến thức uống có nguồn gốc thiên nhiên, các nhà sản xuất nhanh chóng tập trung vào phân khúc này với nhiều loại thức uống từ trái cây, rau, quả…
Theo nghiên cứu của công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm – đồ uống tiềm năng. Trong đó, đồ uống không cồn là một trong ba nhóm (gồm cả bia và thực phẩm) tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tăng trưởng giá trị của nhóm đồ uống này năm 2018 là 19,7%.
Có hơn 86% người tiêu dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để tiêu dùng."